kinect-dang-sau-thanh-cong-cua-microsoft

Kinect - đằng sau thành công của microsoft

Orion Data Convert 06/05/2016

> Không cần tới 24 giờ, Xbox One đã tiêu thụ hơn 1 triệu máy

Trước nay, Microsoft vẫn thường được xem như hình mẫu của một tập đoàn lớn, lâu đời và rất bảo thủ trong việc đi tìm một xu thế thị trường mới. Tuy nhiên, với Kinect, ít nhiều người ta sẽ phải thay đổi lại quan điểm này. Việc thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động dành cho Xbox 360 dành được rất nhiều phản hồi tích cực và bán được hơn 8 triệu bản chỉ trong 2 tháng đầu tiên sau ngày phát hành đã khiến Kinect trở thành một trong những sản phẩm công nghệ có doanh số cao nhất và mở ra một hướng kinh doanh mới đầy tiềm năng cho Microsoft.

Kinect cũng là bài học quan trọng dành cho những công ty lớn như Microsoft về việc nên thực hiện công cuộc đổi mới như thế nào. Ngay từ đầu, đó không phải là công sức của một cá nhân hay một nhóm người làm việc trong phòng thí nghiệm mà là sản phẩm của sự phối hợp giữa rất nhiều tổ chức khác nhau. Nó cũng là sự liên kết giữa hàng năm trời nghiên cứu của Microsoft với các tiến bộ về khoa học và công nghệ được phát hiện từ trước để làm nên một thiết bị hoàn chỉnh.

Và dưới đây là câu chuyện đằng sau sự ra đời của Kinect.

Từ ý tưởng chơi game không cần sử dụng tay cầm

Tháng 2 năm 2007, sau 16 năm làm việc cho Electronic Arts, Don Mattrick chính thức nộp đơn xin nghỉ việc và rời khỏi công ty. 5 tháng sau, ông gia nhập Microsoft và trở thành Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách mảng kinh doanh Xbox 360 và PC. Dưới thời của ông, thành viên Xbox Live tăng từ 6 triệu lên đến 48 triệu người, số lượng máy Xbox 360 bán ra đạt mức 80 triệu. Đó là điều chưa ai ở Microsoft từng làm được.

Don Mattrick

Một trong những vấn đề mà Mattrick quan tâm nhiều nhất là làm thế nào để loại bỏ được hoàn toàn chiếc tay cầm điều khiển truyền thống, vốn xuất hiện phổ biến từ những năm 1990. Ở đại học Nam California, ông đã gặp một nhà làm phim và người này đã bày tỏ ý kiến rằng chính chiếc tay cầm chơi game mới là rào cản chính khiến cho việc chơi game gặp khá nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, thời điểm này Mattrick cũng phải tìm ra một phương án mới để đối phó lại với thành công vang dội của Nintendo Wii, khi mà tay cầm cảm ứng chuyển động của họ giúp cho tính tương tác giữa game và người chơi ngày một cao hơn.

Vì những lí do này mà ngay trong năm 2007, Mattrick đã đặt ra một thách thức thật sự cho đội ngũ thiết kế Xbox: mở rộng việc chơi game ra khỏi phạm vi các khách hàng game thủ truyền thống và hướng đến một lớp đối tượng khách hàng mới, muốn thế thì trước hết cần loại bỏ tay cầm Xbox 360 đi.

Một nhóm nhỏ được lập ra để giải quyết thách thức này

Alex Kipman, người sau này trở thành giám đốc phát triển cho Kinect đã tự đứng ra tổ chức một nhóm nhỏ ngay bên trong Microsoft và bắt đầu tiến hành nghiên cứu các khả năng có thể áp dụng. Dự án Kinect ngày ấy có mật danh là "Natal", tên một thành phố ở Brazil và đồng thời cũng là quê của Alex. Nhóm này đã nhanh chóng giải quyết được một trong những vấn đề khó khăn nhất: tìm ra một thiết bị có thể lưu giữ được cử động, sự di chuyển của người sử dụng.

Alex Kipman

Công nghệ đột phá đến từ một công ty mới thành lập của Israel

Hệ thống thị giác máy tính (computer vision) cũng hoạt động giống như thị giác con người vậy. Nếu như bằng cặp mắt của mình, con người có thể thu nhận hình ảnh từ môi trường xung quanh, biết được màu sắc của vật, hình dáng của vật và vô số thông tin khác để có những phản ứng, hành động trong môi trường sống thì thị giác máy tính cũng tương tự, chỉ có điều cặp mắt của máy tính giờ đây được thay bằng những thiết bị điện tử khác như camera, sensor hồng ngoại. Bằng hệ thống cảm biến này, máy sẽ thu thập thế giới đa chiều và lưu trữ những gì thu thập được dưới dạng ảnh số. Những ảnh này sau đó được xử lý, phân tích và trích chọn ra những thông tin cần thiết giúp máy hiểu được nó đang nhìn thấy gì.

PrimeSense, một công ty của Israel, là một trong những công ty đầu tiên đi tiên phong về lĩnh vực này. Giải pháp PrimeSensor của họ có khả năng xử lý các cử chỉ dạng 3 chiều (3D), nhưng dữ liệu hình ảnh lại được ghi nhận từ cảm biến ảnh CMOS, đồng thời ghi nhận độ sâu, màu sắc và cả âm thanh ở chế độ thời gian thực của không gian cần kiểm soát mà không yêu cầu người dùng phải mặc hay cầm bất cứ công cụ hỗ trợ nào khác cũng như không bắt buộc phải cân chỉnh hay truy xuất dữ liệu đã được số hóa từ máy tính trung tâm. Ngoài ra, PrimeSense còn đề xuất giải pháp System on a Chip (SoC) có khả năng tính toán giá trị độ sâu của mỗi điểm ảnh (pixel), dựa trên tín hiệu trả về của cảm biến CMOS, nhận dạng màu sắc của điểm ảnh, xử lý nguồn sáng trả về dựa trên công nghệ phân mã nguồn sáng Light Coding. Chip SoC được kết nối đến cảm biến CMOS và thực thi các phép tính song song phức tạp để giải mã nguồn sáng và xác định độ sâu hình ảnh trong vùng quan sát.

Nhận ra tính ưu việt của loại công nghệ này, Microsoft đã âm thầm mua lại các giải pháp công nghệ và chip của PrimeSense vào năm 2008. Cho đến trước thời điểm Xbox One ra mắt, PrimeSense vẫn hợp tác với Microsoft để sản xuất chip và phần cứng bên trong của Kinect.

Microsoft đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất

Công nghệ cảm ứng chuyển động của PrimeSense thật sự là một bước khởi đầu rất tốt. Tuy nhiên để hoàn thành được một thiết bị Kinect hoàn chỉnh thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Khó khăn lớn nhất mà Microsoft phải đối mặt lúc bấy giờ là làm thế nào để camera nhận dạng được cơ thể người khi di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, đồng thời nhận diện được đúng một người duy nhất bất kể họ có thay đổi ngoại hình như thế nào. Tất cả phải thực hiện được trong cùng khoảng thời gian mà không có độ trễ xảy ra.

Andrew Blake và Jamie Shotton, hai nhà khoa học đến từ bộ phận nghiên cứu của Microsoft được giao trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Họ đã cùng viết một thuật toán để thiết bị cảm ứng chiều sâu của hệ thống thị giác máy tính có thể phát hiện và bám sát từng bộ phận cơ thể, đặc biệt là tay và vai mà không sợ bị nhầm lẫn do di chuyển nhanh hay thay đổi vẻ bề ngoài.

Công nghệ phân biệt giọng nói đã có từ trước đó hàng năm trời

Nếu như Microsoft bắt đầu công việc thiết kế Kinect từ con số 0 thì họ sẽ gặp phải vô số khó khăn, trong đó có cả việc làm cho thiết bị này có thể nhận lệnh bằng giọng nói. Tuy nhiên, từ hơn một thập kỉ trước, Microsft đã thành công trong việc tìm ra công nghệ phân biệt giọng nói và từ đó đã sản xuất ra một loạt ứng dụng như Ford Sync, cho phép người dùng đưa ra khẩu lệnh để điều khiển điện thoại di động hay máy nghe nhạc MP3.

Game đầu tiên dùng Kinect do một studio có kinh nghiệm về game thể thao phát triển

Khi game thể thao Wii Sports góp phần phổ biến thiết bị Wii đến mọi tầng lớp game thủ, Microsoft hiểu rằng họ cũng phải có một sản phẩm tương tự ngay khi Kinect phát hành. Rare Studio, đơn vị từng phát triển hàng loạt game thể thao cho các máy chơi game của Nintendo trước khi được Microsoft mua lại, đã bắt tay tiến hành dự án Kinect Sports vào mùa hè năm 2008. Họ đã kiểm tra hơn 20 môn thể thao khác nhau trước khi đưa vào game một loạt những môn phù hợp với thể trạng của nhiều đối tượng game thủ khác nhau như bowling, quyền anh và các môn điền kinh.

Xbox Live cũng được thay đổi

Microsoft cũng đã đưa ra quyết định chỉnh sửa lại dịch vụ Xbox Live để có thể tương thích với Kinect. Giờ đây người sử dụng có thể tải phim hoặc mở video chat chỉ bằng một cử động di chuyển tay rất nhẹ nhàng.

Chiến dịch marketing kéo dài 18 tháng

Lần đầu tiên Microsft tiết lộ sản phẩm Kinect là tại hội chợ E3 tháng 5 năm 2009. Họ biết rằng để đưa thiết bị này ra thị trường ngay trong mùa hè năm ấy là không thể. Tuy nhiên, game thủ và các nhà phát triển game nhận được lời hứa hẹn rằng Kinect sẽ khiến họ "không phải thất vọng".

Trong vòng 18 tháng tiếp theo, Microsoft đã chứng minh khả năng tương tác của Kinect đến với tất cả mọi người ở nhiều sự kiện lớn khác nhau. Mùa hè năm 2010, Microsoft có đưa một vài thiết bị Kinect đến châu Âu và Canada, giúp mọi người có cơ hội sử dụng thử sản phẩm này. Cho đến khi Kinect chính thức phát hành vào tháng 11 năm 2010, người ta ước tính rằng ngân sách cho chiến dịch marketing kéo dài 18 tháng của Microsoft đã lên đến 500 triệu USD.

Kết quả đạt được: những hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la

Ngay sau khi Kinect phát hành vào ngày 4 tháng 11, Microsoft đã ước tính rằng mỗi ngày được hơn 100 nghìn thiết bị và ước tính đến cuối năm sẽ bán được khoảng 5 triệu Kinect. Trên thực tế chỉ sau 60 ngày, 8 triệu sản phẩm đã được phân phối đến tay người sử dụng. Với giá 149 USD, chỉ sau 3 tháng Kinect đã đem lại cho Microsoft hơn 1,2 tỉ đô la. Và vì chi phí để sản xuất một thiết bị Kinect chỉ tốn chưa đến 60 USD nên rõ ràng Microsoft đã thắng lớn trong vụ này.

Nguyễn Hào

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN