-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thương hiệu: (Đang cập nhật ...) Loại: (Đang cập nhật ...)
Giới thiệu game:
Đã từ lâu như một quy định ngầm trong giới RPG, cái tên “Monster Hunter” được hiểu tượng trưng cho một cánh cửa cấm kỵ đối với bất kỳ dân “ngoại đạo” nào. Nguyên nhân có thể kể ra rất nhiều, từ độ khó khủng khiếp, cơ chế vật lý quá thực… cho đến việc nó sở hữu một lối chơi hết sức khó hiểu và nhàm chán (đối với những người ngoài cuộc).
Ra mắt từ năm 1999, thế nhưng Monster Hunter vẫn chỉ là một dòng game “giáo phái” đặc trưng khiến người ta “kính nhi viễn chi” trong mười mấy năm ròng rã – mãi cho đến khi nó “dời đô” lên hệ máy Nintendo 3DS vào năm 2013 và tiếp cận được với nhiều người chơi hơn. Thật sự, với hệ thống màn hình kép và những cải tiến đáng kể (cơ chế auto-lock mục tiêu, truy cập trang bị nhanh…), “con ngựa” Monster Hunter sau cùng cũng đã gặp được Bá Nhạc của đời mình – khi bộ đôi Monster Hunter/Nintendo 3DS liên tiếp đại thắng giòn giã 4 năm ròng (2013 – 2016).
Một phần thành công của Monster Hunter ở ngôi nhà mới Nintendo, có thể cũng vì Capcom đã có một “thỏa thuận ngầm” giảm bớt độ khó cố hữu một cách khéo léo, bỏ bớt những trở ngại phi lý mà thay thế bằng những nỗ lực được đền bù xứng đáng. Quả thật đối với giới fan Monster Hunter từ những phiên bản đầu tiên, từ sau Monster Hunter 3 Ultimate, độ khó của dòng game này đã giảm đi rất nhiều. Đây cũng có thể xem là một bước đi “trung dung” nhằm theo kịp đà phát triển game đại chúng hóa của đại chúng, mà vẫn giữ lại những nét đẹp truyền thống.
Từng giữ “ngôi vương” trên bảng xếp hạng game Nhật nhiều tháng liền, phiên bản mới nhất có tên Monster Hunter X đã khiến người chơi phương Tây “đứng ngồi không yên”, khi phải mất gần một năm mới chịu ra mắt phiên bản quốc tế với tên Monster Hunter Generations. Vậy, “phép màu” nào đã giúp Monster Hunter Generations càng ngày càng “ăn nên làm ra”? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.
Từ xưa đến nay, dòng game Monster Hunter vẫn bị dân ngoại đạo chê là… tả quá thực những thứ không cần thiết. Quả vậy, trong game thì việc dùng một cặp Dual Blades thần tốc gọn nhẹ sẽ mang lại cảm giác khác hẳn với một thanh đại đao Greatsword nặng nề, chậm chạp. Mỗi thứ vũ khí trong Monster Hunter sở hữu một lối đánh hoàn toàn khác biệt, và hơi có phần phù hợp với tính cách của những người chơi khác nhau – do đó, hiếm có ai tinh thông đủ cả… 14 loại vũ khí trong game.
Tuy vậy, Monster Hunter trước đây quá chú trọng đến việc tả thực cái trọng lượng, cái sự va chạm của kim loại/da thịt mà bỏ qua những hiệu ứng đẹp mắt. Trừ các món vũ khí có thuộc tính Element (lửa, băng, điện…) còn “xẹt xẹt” tí chút màu mè, còn lại hầu như người chơi sẽ không thể bắt gặp được các hiệu ứng chiêu thức “rần rần bão tố, sấm giật chớp lòe” như trong các game RPG hoặc hành động khác.
Có thể nói điểm sáng trong Monster Hunter Generations chính là các tuyệt chiêu “bá đạo” mà người chơi có thể dần dần mở khóa và tùy biến cho vũ khí của mình
Ý thức được điều này, Capcom đã cải tiến Monster Hunter Generations theo một chiều hướng hơi bị “fan-service”, nhưng may là ai cũng thích: thêm các thứ “màu mè hoa lá hẹ” vào game. Thật vậy, có thể nói điểm sáng trong Monster Hunter Generations chính là các tuyệt chiêu “bá đạo” mà người chơi có thể dần dần mở khóa và tùy biến cho vũ khí của mình.
Đó có thể là những nhát chém lả lướt xoáy hung bạo của Dual Blades, mà cũng có thể là những đường múa slow-motion tuyệt đẹp của Longsword, hoặc những phát súng chát chúa, những vụ nổ rung chuyển màn hình từ Gunlance và Heavy Bowgun.
Thực tế, đối với người chơi Monster Hunter “gạo cội”, những chiêu thức này chỉ mang tính biểu diễn là chính, chứ khó mà nắm bắt thời điểm thi triển để đạt hiệu quả thật sự cao được. Những người đã quen với lối đánh đơn giản mà chắc chắn như trước đây hẳn sẽ cảm thấy tự tin hơn với phong cách chiến đấu cũ, mặc dù thỉnh thoảng vẫn thi triển các tuyệt chiêu cho trận đấu thêm hoành tráng (dù đôi khi một nhát xoáy búa “trật đường rầy” vẫn “bóp d**” đồng đội như thường).
Striker Style được thiết kế ra dành cho những người mới chơi, chưa kịp thích nghi với các đòn thế phức tạp của các loại vũ khí. Với phong cách này, các loại vũ khí sẽ bị “tước” đi kha khá các đòn thế, chỉ chừa lại những chiêu cơ bản và hiệu quả nhất – bù lại, người chơi có đến hẳn 3 ô tuyệt chiêu để mang theo. Có thể nói lối đánh của Striker Style xoay quanh việc sử dụng các chiêu thức đơn giản để tích đầy thanh “Nộ” rồi tung hàng loạt tuyệt chiêu sấm sét để kết liễu mục tiêu.
Với sự xuất hiện của vũ khí Insect Glaive trong phiên bản Monster Hunter 4 Ultimate, người chơi đã được cảm giác không chiến rất chi là “Attack on Titan”, khi có thể nhảy lên cao, cưỡi những con quái khổng lồ và quật ngã chúng xuống để “hành hạ”. Với Aerial Style, đặc quyền “nhảy nhót” này không còn dành riêng cho Insect Glaive nữa, mà bất cứ vũ khí nào cũng có khả năng “đạp” lên người quái để nhảy lên cao và thi triển tuyệt kỹ “Mounting Vault” trứ danh. Đây có thể xem là lối đánh mang lại trải nghiệm mới mẻ nhất, khi người chơi Monster Hunter lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác “nhảy” – điều xưa nay chưa từng có (trừ Insect Glaive trong Monster Hunter 4 Ultimate).
Đây có thể xem là lối đánh mang lại trải nghiệm mới mẻ nhất, khi người chơi Monster Hunter lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác “nhảy” – điều xưa nay chưa từng có
Những thợ săn “sừng sỏ” lâu năm gắn bó với Monster Hunter hẳn đã quá quen thuộc với lối đánh né tránh – phản đòn, tận dụng 0.2 giây “bất tử” khi lăn/ nhảy né đòn. Với Adept Style, lối chơi này sẽ được phát huy lên một tầm cao hơn nữa, khi chỉ cần canh đúng thời điểm né tránh, nhân vật sẽ có thể lao thẳng vào người con quái vật, đạt trạng thái “bất tử” và phản đòn rất nhanh nhẹn. Lối chơi này được công nhận là “phá game” bậc nhất, khi trong tay những game thủ gạo cội, hầu như họ hoàn toàn có thể hạ gục một con quái mà chẳng một lần trúng đòn.
Sau cùng, đối với những ai không thích thay đổi và yêu thích bộ chiêu thức đầy đủ của các loại vũ khí, thì Capcomvẫn “giữ ý” mà chừa lại Guild Style. Nói nôm na, với Guild Style, người chơi sẽ không có bất kỳ thay đổi gì trong cách chiến đấu mà vẫn giữ nguyên như các phiên bản trước. Điều này không có nghĩa rằng Guild Style là yếu nhất, mà chỉ có thể nói rằng nó vẫn là nó của ngày xưa – đơn giản, chắc chắn, hiệu quả!
Đối với những người đam mê Monster Hunter và gắn bó với nó trong một thời gian rất dài, thì tâm điểm của sự thu hút không nằm ngoài những con quái vật “thiên hình vạn trạng” với trí khôn “dàn trời”. Với hậu tố “Generations” (thế hệ) trong tên của mình, Monster Hunter Generations chính là phiên bản Monster Hunter sở hữu số lượng quái vật khổng lồ nhất xưa nay, cả cũ lẫn mới. Nếu người chơi Monster Hunter 3 Ultimate đã ấn tượng với quái vật flagship “thành phồng tôm” Brachydios, đã ngỡ ngàng với flagship Gore Magala tiến hóa 3 bậc trong Monster Hunter 4 Ultimate – thì với Monster Hunter Generations, sự bất ngờ sẽ được nhân lên… 4 lần với tận “tứ đại linh thần” mới.
Mizutsune là một con rồng nước với vẻ ngoài rất đẹp và quý phái. Tuy vật chớ để vẻ đẹp ấy đánh lừa, vì nó có lối di chuyển cực kỳ nhanh nhẹn và bất ngờ, cũng như hệ thống chiêu thức “nhả” bong bóng làm chậm và phun pháo thủy lực cực mạnh. Trong đoạn trailer giới thiệu, “chúa tể rừng xanh” Zinogre vốn nổi tiếng là linh hoạt và hùng mạnh cũng phải vất vả khi bị Mizutsune “hành hạ”.
Người chơi Monster Hunter xưa nay có lẽ rất “dị ứng” với chủng Brute Wyvern vì sự đồ sộ trong thể hình và lối tấn công “trâu bò húc” của chúng. Những cái tên như Duramboros, Uragaan, Barroth… đã ám ảnh rất nhiều thợ săn dù “tay mơ” hay “cứng cựa”. Đại diện cho chủng Brute Wyvern trong Monster Hunter Generations chính là Glavenus, một con khủng long với cái đuôi là một lưỡi đao khổng lồ. Với bộ vảy giáp toàn thân và những đòn “mài dao đuôi” khó chịu, Glavenus mang lại ác mộng cho bất kỳ thợ săn nào với cung tấn công cực rộng cũng như “hitbox” hết sức “điêu”.
Từ xưa đến nay, danh hiệu “chúa tể bầu trời” vẫn thuộc về Rathalos – thế nhưng từ Monster Hunter 4 Ultimate thì ngôi vị đó có vẻ hơi bị “lung lay” khi con rồng giáp gai Seregios xuất hiện và đe dọa “cướp ngôi” của Rathalos. Qua đến Monster Hunter Generations, số lượng đối thủ cạnh tranh ngai vàng trên không này lại tăng thêm một cái tên nữa – Astalos. Với ưu thế đến từ lớp vảy giáp tích điện và những đòn tấn công sấm sét từ trên cao, Astalos có thể đe dọa không chỉ Rathalos, mà còn với bất kỳ người chơi nào chưa có kinh nghiệm xử lý những con quái vật biết bay.
Ngoài những gương mặt mới nói trên, Monster Hunter Generations còn quy tụ những “anh tài” flagship từ các phiên bản từ rất xa xưa, chẳng hạn như thần rồng gió Amatsu, Alatreon, Shogun Cenataur, Blangonga…
Xếp cuối cùng trong “tứ trụ” của Monster Hunter Generations, Gammoth được nhiều người công nhận là đối thủ “nặng ký” nhất cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lấy ý tưởng từ loài voi ma-mút đã tuyệt chủng, Gammoth với thể hình “bồ tượng” của nó đã chứng tỏ rằng trong bất cứ tựa game nào, thì những con “súc sinh trâu chó” kiểu pháo đài di động luôn gây ức chế cho người chơi nhất. Với bộ kỹ năng không có gì phức tạp, Gammoth vẫn có thể gây ra hàng tấn sát thương từ những chiêu thức thoạt trông thì có vẻ “vô hại” của nó.
Ngoài những gương mặt mới nói trên, Monster Hunter Generations còn quy tụ những “anh tài” flagship từ các phiên bản từ rất xa xưa, chẳng hạn như thần rồng gió Amatsu, Alatreon, Shogun Cenataur, Blangonga… để đảm bảo cho người chơi một lượng trải nghiệm khổng lồ – vì giờ đây chúng sở hữu thêm rất nhiều kỹ năng mới, tạo thêm khó khăn dù với những ai đã từng “quen biết” trước kia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “kho” vũ khí và giáp trụ trong Monster Hunter Generations lại càng nhiều hơn đáng kể.
Từ sau phiên bản Monster Hunter 3 Ultimate, dòng game Monster Hunter bắt đầu có xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào phần cốt truyện của mảng chơi đơn hơn. Từ những chuyến hải trình nhằm cứu lấy ngôi làng Moga khỏi “thần long” Lagiacrus, cho đến tao ngộ cùng hai chú nhóc thổ dân Cha-Cha và Kayamba, rồi bất ngờ phát hiện ra sự tồn tại của “thủy thần hồng hoang” Ceadeus… người chơi đã có những giây phút trải nghiệm tuyệt vời một thế giới trọn vẹn của Monster Hunter 3 Ultimate.
Monster Hunter 4 Ultimate lại càng phát huy ưu thế này lên thêm một tầm cao mới, khi đan xen câu chuyện về một loại dịch bệnh truyền nhiễm khiến các loài quái vật phát điên, đi đến truy nguyên câu chuyện nguồn gốc lây lan từ Gore Magala, cho đến khi chạm trán với những con quái thú bị nguyền rủa, nhiễm bệnh mà không chết để trở thành Apex. Chưa dừng lại ở đó, người chơi còn được đích thân chung sức cùng đội thợ săn thiện chiến Ace trả lại mối thù xưa cùng con rồng bão tố Rusted Kushala Daora với những trận đánh hoành tráng.
Nếu trong Monster Hunter 4 Ultimate, người chơi có đến 10 chương cốt truyện với đủ loại quái vật ở mọi cấp độ – thì trong Monster Hunter Generations câu chuyện của chúng ta sẽ chấm dứt ở chương 6
Đáng tiếc, những trải nghiệm tuyệt vời trên sẽ không trở lại trong Monster Hunter Generations, bởi vì đây chính là một phiên bản được làm ra với tính chất “kỷ niệm”. Đó cũng là lý do vì sao nó mang tên Monster Hunter Generationschứ không phải là Monster Hunter 5 Ultimate. Tuy mảng chơi mạng cùng bạn bè vẫn dư sức níu kéo người chơi hàng ngàn giờ, nhưng phần chơi đơn trong Monster Hunter Generations đã bị tinh giảm đến mức quá đáng.
Nếu trong Monster Hunter 4 Ultimate, người chơi có đến 10 chương cốt truyện với đủ loại quái vật ở mọi cấp độ – thì trong Monster Hunter Generations câu chuyện của chúng ta sẽ chấm dứt ở chương 6. Và đây cũng chẳng phải là một hành trình cứu thế kinh thiên động địa gì cả, mà chỉ như một cuộc dạo chơi để hỗ trợ hiệp hội khám phá các chủng loại quái vật mới.