Thương hiệu: (Đang cập nhật ...) Loại: (Đang cập nhật ...)
Spider-Man: Miles Morales – Người Nhện, không còn là một cái tên xa lạ trên toàn cầu, đặc biệt với những ai mê mệt các siêu anh hùng đến từ Marvel.
Chàng Nhện không chỉ xuất hiện trên các truyện tranh, phim ảnh, các món hàng hóa (đồ chơi, nón, áo, v.v.) mà còn cả video game.
Nhưng kể từ phiên bản Spider-Man 2: Video Game, các tựa game được phát hành dưới tay Activision luôn được đánh giá không tốt và chất lượng cứ thất thường.
Mãi cho đến năm 2018, khi Marvel chính thức lấy lại bản quyền phát triển game của chàng Nhện và được Insomniac Games lựa chọn “hồi sinh” phát triển Marvel’s Spider-Man, cộng hưởng với cái đà thành công của bộ phim “Spider-Man into the Spider-verse” của Sony Pictures, thương hiệu Spider-Man chính thức trở lại vô cùng thành công.
Bẵng đi một ngày, vào sự kiện trực tuyến mang tên “PS5 – The Future of Gaming Show”, chàng nhện bất ngờ trở lại nhưng đó không phải là chàng Peter Parker mà là học trò của anh – Miles Morales.
Vậy liệu rằng sau gần 2 năm phát triển, được giới thiệu dưới ánh mắt của giới miệu độ rằng “Marvel’s Spider-Man: Miles Morales” là phiên bản spin-off (ngoại truyện), thì sự mong chờ và háo hức ấy có được đền đáp thỏa đáng?
Liệu chất lượng của tựa game sẽ sánh ngang hoặc có sự cải thiện gì so với phiên bản 2018?
Câu chuyện chính của game xoay quanh việc chàng Miles Morales phải xoay sở một mình khi “sư phụ” Peter Parker vắng nhà… đi chơi với Mary Janes.
Vẫn lấy chủ đề là một siêu anh hùng non nớt, gặp phải nhiều bất ngờ lẫn bước ngoặt để chiến đấu lại kẻ thù.
Nhưng không phải vì thế mà câu chuyện trở nên cũ kĩ, vì cái hay của tựa game đó là cách hãng phát triển các tuyến nhân vật chính lẫn phụ đan xen không chỉ ở nền tảng cốt truyện chính mà còn ở các nhiệm vụ phụ, những đoạn thu âm và các món thu thập từ đầu tới cả sau khi hết game.
Để khi trải nghiệm xong, ta cảm nhận được sự ấm áp tới bất ngờ từ gia đình, bạn bè và những lần Miles được học tập trên con đường trở thành một Người Nhện thứ hai của thành phố New York.
Thoạt nhìn, với thời gian phát triển ngắn ngủi hơn, thậm chí là phải phát hành đa hệ (PS4 lẫn PS5) thì lượng nội dung đầu tư vào Marvel’s Spider-Man: Miles Morales sẽ khó có gì thật sự mới mẻ.
Nếu chỉ nhìn chung chung thì mọi thứ vẫn giữ cái “chuẩn” chung của các game thế giới mở: các tuyến nhiệm vụ chính theo cốt truyện, các hoạt động phụ bao gồm nhiệm vụ phụ, bắt cướp, thu thập các món đồ, v.v.
Chưa kể, bản Marvel’s Spider-Man trước đây còn bị nhiều người chơi “càm ràm” khá giống phong cách thiết kế thế giới mở của Ubisoft như Assassin’s Creed Odyssey, thì liệu rằng Marvel’s Spider-Man: Miles Morales sẽ làm được điều gì hơn?
Nhưng không, người viết đã sai lầm!
Đầu tiên là game thẳng tay loại bỏ chế độ “mở khóa các tháp“, đi kèm sự cải thiện ở tất cả những mặt kể trên nhờ vào việc trao chuốt và thêm thắt sự đa dạng vừa đủ cho từng mảng.
Kế đến, các hoạt động của Marvel’s Spider-Man: Miles Morales, theo đánh giá của người viết, thì tập trung cụ thể vào sự gói gọn, với lượng nội dung vừa đủ để trao chuốt.
Không quá ôm đồm, nhưng cái nào ra cái nấy!
Sự cải thiện nhiều nhất là nằm ở các tuyến nhiệm vụ phụ, chẳng hạn nhiệm vụ Miles giúp đỡ một ông chú ở đường ray, chỉ cần tới địa điểm và “dọn dẹp” là xong, nhưng không, chàng Nhện trẻ buộc phải giải đố “nhẹ” thêm tí mới được gọi là hoàn tất!
Hoặc một trường hợp khác: theo dõi một đám cướp lấy hàng hóa rồi vận dụng kỹ năng tàng hình để chụp ảnh phân tích xem tên nào thật sự lấy hàng để nhiệm vụ được diễn ra tiếp, v.v.
Hệ thống nhiệm vụ phụ này cũng làm người viết liên tưởng tới tựa game “bom tấn” gần đây: Ghost of Tsushima – khi mà các tuyến phụ này đều có một hay nhiều nhiệm vụ liên thông nhỏ khác trước khi được cho là hoàn thành hẳn.
Đương nhiên, chúng sẽ không dài tận 4-6 tuyến phụ hoặc quá sâu sắc được như The Witcher 3: Wild Hunt, nhưng Marvel’s Spider-Man: Miles Morales vẫn biết cách chắt lọc để tạo chiều sâu vừa đủ cho chúng ta thưởng thức.
Insomniac Games cũng vận dụng nhiều kỹ năng đặc trưng của Miles vào các hoạt động khác như các thử thách lẫn thu thập các món đồ được đặt rải rác trong thành phố New York, nhằm tạo sự đa dạng hơn trong cách tiếp cận.
Việc hoàn thành và thu nhập chúng không phải chỉ để “đánh dấu” cho xong, mà chúng có những câu chuyện để kể, một phần khác còn có ý nghĩa lột tả và có phần nhấn mạnh tập trung hẳn vào câu chuyện nền của Miles.
Như bản 2018, mỗi khi hoàn thành các thử thách, thu thập hoặc các nhiệm vụ thì người chơi đều được tặng điểm kinh nghiệm hoặc các “Token” nhằm mở khóa nâng cấp kỹ năng hay các trang bị cho anh Nhện, kể cả trang phục – với các đặc điểm hỗ trợ khác nhau.
Hệ thống chiến đấu của Marvel’s Spider-Man: Miles Morales năng động và có nhịp độ nhanh hơn phiên bản 2018 nhờ vào kỹ năng về điện như Bio-Electric, Venom Strike, Venom Blast, hoặc tàng hình với Camouflage. Trông qua có vẻ ít ít nhỉ? Nhưng khi kết hợp với các kĩ năng đu tường, đánh đấm, đu người trả đòn thì nhịp độ trận đánh trở nên “sung sức” hơn hẳn với nhiều đòn combo cực kỳ đã mắt! Các tác chiến với kẻ địch nhờ thế cũng phong phú hơn khi người chơi hoàn toàn có thể trở lại trạng thái “lén lút” nhờ vào kỹ năng tàng hình (nếu có lỡ bị phát hiện).
Trí thông minh máy (AI) cũng tinh vi hơn, biết liên tục lần mò hoặc tỏ ra nghi ngờ khi không thể liên hệ được đồng đội bị Miles “oánh” lén, chứ không còn ngây ngơ hay tỏ ra không biết gì.
Có nhiều kẻ thù còn có khả năng bay lên để tìm và quan sát, tạo nhiều tình huống bất ngờ ban đầu khi tiếp xúc hơn.
Giao diện của Marvel’s Spider-Man: Miles Morales được làm lại, đẹp, phong cách và dễ nhìn hơn so với bản tiền nhiệm, với các hình ảnh hiển thị rõ ràng cho từng kỹ năng muốn được nâng cấp.
Những điều mà người viết nêu trên sẽ thật rất khó “thăng hoa” nếu không có được sự đầu tư mãn nhãn từ nền tảng đồ họa, âm thanh được đan vào trong bối cảnh của thành phố New York.
Tuy vẫn là thành phố của nhộn nhịp nhưng nhờ “khoác lên mình” không khí của mùa Đông, nên sự hoạt náo của cư dân nơi đây rất nhộn nhịp ngày lễ Giáng Sinh! Mật độ người dân hoạt động có vẻ đông đúc hơn, người thì mặc áo khoác, người thì trượt băng trên mặt hồ đã bị đóng băng đều được Insomniac Games “ném” vào hết để gia tăng hương vị thể hiện sức sống tại đây. Các khung cảnh nhờ thế được trang trí và bày trí một cách tỉ mỉ, được thêm nhiều chi tiết lẫn họa tiết cẩn thận, chứ không phải chỉ sử dụng lại rồi thêm một lớp tuyết là xong! Chưa kể, người chơi còn thấy được Insomniac Games thật sự đầu tư ra sao khi còn mang tới thêm nhiều bối cảnh mới bên trong lòng thành phố New York, các khu phố Harlem (nơi Miles sinh sống), khu phố người Tàu hay các khu nghiên cứu bí mật dưới lòng đất của lực lượng tổ chức mới, v.v.
Cử động của Miles có sự thay đổi đáng kể, vì là một chàng Nhện “tập sự” nên việc lượm thuộm lẫn rất chi là “hiphop” được thể hiện đây và đó trong dáng đu người, đậu trên nóc hay cả việc bám trên tường và nhiều kiểu dáng “bung” người khác nếu người chơi chịu khó lần mò.
Các hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng là một trong những cải tiến so với bản 2018, thậm chí còn tăng cường tương tác môi trường như dấu chân hòa lẫn trên tuyết, bông tuyết dính trên áo, các loại tuyết rơi từ dày tới nhẹ đều hiện hữu.
Các trận đấu trong Marvel’s Spider-Man: Miles Morales nay cũng cực kỳ sướng mắt nhờ vào hiệu ứng cháy lửa đì đùng, với môi trường mang tính “sụp đổ” nhiều hơn, liên tục “bùm chéo” hết cả màn hình! Không khí đã rất “hăng” lại càng hăng hơn với các bản nhạc không thể nào chê từ việc vi vu, chiến đấu hay các phân đoạn cắt cảnh. Nếu chán nghe nhạc nền thì vẫn còn có đó các đài radio “khẩu chiến”: một bên thì chê, một bên thì “yêu” chàng nhện mới. Đôi khi, nghe họ “phản damage” thôi cũng cực kỳ hài hước! Còn không muốn nữa thì đôi khi chỉ cần tới vài địa điểm công viên, nghe các anh hát nhạc rong thôi cũng thấy thoải mái hơn trước khi bắt tay vào công việc làm một siêu anh hùng.