the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game

Thế nào là biết cách thưởng thức game?

Orion Data Convert 06/05/2016

Thế nào là biết cách thưởng thức game?

Trò chơi điện tử là một loại hình giải trí còn rất mới nếu so sánh với các thể loại lâu đời khác như điện ảnh, âm nhạc, hội họa,... nhưng không vì thế mà có thể nói rằng game chỉ là một thứ đơn giản mà bất kì một ai cũng có thể chơi và cảm nhận được cái hay của nó. Đã qua rồi cái thời mà thuật ngữ game được dùng để mô tả những trò chơi đơn giản như xếp hình, bắn ruồi hay các môn thể thao được tái hiện lại trên màn hình TV. Ngày nay để sản xuất ra một trò chơi hoàn chỉnh cần có sự đầu tư rất lớn, từ người viết kịch bản, họa sĩ thiết kế, diễn viên lồng tiếng cho đến các lập trình viên... đều cực kì chuyên nghiệp và không thua kém gì một tác phẩm điện ảnh. Vì vậy mà có thể nói rằng, game là một môn nghệ thuật mới cũng không có gì là quá đáng.
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Có những tựa game giống như một tác phẩm nghệ thuật thật sự.
 
Và đã là nghệ thuật thì đương nhiên không phải bất kì ai, mà phải là những người biết thưởng thức mới có thể cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của nó. Trong bài viết này người viết xin nêu ra một số sai lầm mà những người mới bước chân vào "bộ môn" này hoặc cũng có thể đã chơi nhiều nhưng vô tình mắc phải mà không nhận ra khi thưởng thức một tựa game.
 
Skip Cutscene/Lời thoại
 
Cutscene hay còn được gọi là cắt cảnh là những đoạn phim được lồng ghép vào trong cốt truyện của một trò chơi. Mục đích của Cutscene tương đối đa dạng, có thể để tạo hiệu ứng "điện ảnh" cho game hoặc đóng vai trò như một quãng nghỉ giữa các chương/hồi trong kịch bản, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố dẫn dắt người chơi đi sâu hơn vào cốt truyện thông qua sự tương tác giữa các nhân vật hay tình tiết xảy ra trong đoạn cắt cảnh một cách chân thực và giàu cảm xúc nhất, điều mà khó có thể làm được với những đoạn hội thoại khô cứng thông thường.
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Metal Gear Solid nổi tiếng với những đoạn cắt cảnh giàu cảm xúc.
 
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà có những bạn chơi game luôn tỏ thái độ "ngồi trên đống lửa" mỗi khi những đoạn cắt cảnh này xuất hiện và bắt đầu spam enter để có thể nhanh chóng nhập cuộc chơi. Dù là vô tình hay cố ý thì làm như vậy, bạn đã tự đánh mất 50% cái hay của game. Trong khi nhà sản xuất đang cố gắng kể cho bạn nghe lý do tại sao mà bạn phải chiến đấu, vì ai hay cái gì, những thứ mà họ đã phải mất công suy nghĩ và sáng tạo ra trước tiên khi quyết định tạo ra trò chơi đó, thì bạn lại quăng ngay chúng vào sọt rác và rồi khi hạ vũ khí xuống bạn thậm chí còn chưa biết mình là ai?
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Ai lại nỡ skip những đoạn phim như thế này?
 
Đặc biệt là ở những tựa game nhập vai khi mà cốt truyện là phần được đầu tư rất công phu, ngay cả lời thoại của các NPC mỗi khi giao nhiệm vụ cũng giống như một mẩu chuyện nhỏ, qua đó chúng ta có thể hiểu được hoàn cảnh của các nhân vật cũng như cái thế giới mà họ đang sinh sống. Dường như ảnh hưởng của các tựa game online đã tạo cho một số người thói quen skip tất cả những gì có thể khiến nhân vật lên level chậm hoặc không liên quan tới bắn giết mặc dù đang chơi một game offline chẳng cần đua top hay cày kéo gì cả?
 
Chỉ chơi Easy Mode
 
Đối với những người mới làm quen thì một chế độ chơi dễ thở có thể giúp họ cảm thấy hứng thú với trò chơi khi nhân vật gần như là bất khả xâm phạm và không cần tốn nhiều công suy nghĩ cũng có thể "phá đảo", chuyện này hoàn toàn bình thường. Thế nhưng nếu đây là một thói quen của bạn thì đó là điều rất không nên, vì sao? Đơn giản là như vậy bạn sẽ không cảm nhận hết được cái hay của gameplay khi chẳng bao giờ nảy sinh những thắc mắc như skill này để làm gì, đi lối kia thì sẽ ra sao, tại sao game lại cung cấp khả năng đỡ hay né đòn... vì chỉ cần ấn linh tinh là đã đủ để chiến thắng. Kiểu chơi như vậy sẽ chẳng có chút thử thách nào, và đương nhiên không có khó khăn thì cảm giác vui sướng khi vượt qua được chúng cũng không hề tồn tại.
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Combo với Auto Mode thì còn gì là hấp dẫn.
 
Tất nhiên không ai có thể ngăn cấm và cũng không có gì là sai trái khi bạn chơi ở cấp độ dễ trong lần đầu tiên, thế nhưng sau khi hoàn thành game hãy thử lại với một độ khó cao hơn, chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác khi mình không còn là vô địch nữa. Không phải tự dưng mà các nhà sản xuất thường mở khóa những mode khó nhằn hơn sau khi người chơi "phá băng". Lăn lộn né đòn, tự mình thi triển những chiêu thức phức tạp, tìm ra những phương án tối ưu nhất mỗi khí đối mặt với kẻ thù... Tất cả những điều đó đều yêu cầu bạn phải đầu tư công sức trong từng suy nghĩ và thao tác, đổi lại khi hạ gục được boss cuối cấp độ khó nhất hay trở thành "bất khả xâm phạm" nhờ vào chính kĩ năng của mình sẽ mang lại cho bạn một cảm giác rất "yomost".
 
"Hùng hục" hoàn thành game, sau đó... xóa
 
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đánh trùm, về nước, xem phim là coi như đã kết thúc game và sau đó... xóa cho khỏi chật, bất kể hay dở ra sao. Nếu không thích tựa game đó và đã cố gắng hết sức để "lết" về đích thì còn có thể hiểu được, nhưng ngay cả đối với những game mà họ rất thích thú trong quá trình chơi thì cũng không có sự khác biệt nào, chỉ có một quy tắc duy nhất: thấy địch là "chiến", còn lại không quan tâm. Có thể xúc phạm tới một số người, nhưng kiểu chơi này phù hợp với con nít hơn là một người chơi game để thưởng thức.
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Vội vã giết trùm rồi... nghỉ game?
 
Vẫn còn đó những bí mật được ẩn giấu trong màn chơi, một vũ khí cực mạnh, một chìa khóa dẫn tới khu vực bí mật hay đơn giản chỉ là một câu chuyện bên lề làm rõ cho cốt truyện game... Dường như việc chơi những dòng game nhiều "bí mật" như Tomb Raider hay Megaman từ thời thơ ấu đã tạo cho tôi thói quen nghi ngờ và kiểm tra tất cả những khu vực mà mình đi qua, đơn giản vì cảm giác bỏ sót một item nào đó thực sự rất khó chịu và không muốn tiếp tục theo mạch truyện chính chừng nào chưa giải quyết được những câu đố ấy. Và cuối cùng sau khi hoàn thành một trò chơi, tôi có thể cảm thấy hài lòng vì khó có điều gì mà mình chưa biết về tựa game đó.
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Tomb Raider là một dòng game chứa đựng rất nhiều bí mật chờ khám phá.
 
Đã bao giờ bạn tạm dừng cuộc phiêu lưu chỉ để ngồi đọc những tập sách rải rác khắp Skyrim? Chơi đi chơi lại một màn của Hitman để đạt danh hiệu Silent Assassin? Tiêu diệt các boss ẩn của Final Fantasy? Có vô khối việc dành cho bạn ngay cả sau khi đã hoàn thành cốt truyện chính của trò chơi. Sẽ chẳng có chuyện Skyrim nhận được danh hiệu game nhập vai của năm 2011 nếu như ai cũng chỉ chăm chăm đi tiêu diệt Alduin. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt ấy nhưng chính chúng lại thể hiện sự đầu tư của nhà sản xuất vào trong tựa game của mình, và chỉ khi bạn đã chinh phục được hay ít nhất là cố gắng thử những nội dung ấy thì mới có thể coi là đã hoàn thành game.
 
Chơi Cheat
 
Thực sự khó có lý lẽ nào để có thể bao biện cho những người chơi dạng này. Không giống như những kiểu trên, đã cheat thì chỉ có cố ý chứ không thể nói là vô tình được. Dù là cheat code được cung cấp sẵn hay sử dụng các phần mềm thứ 3 can thiệp thì "ăn gian" vẫn là một cách giết chết game nhanh nhất. Lý do cũng gần giống như việc chơi easy mode, chỉ có điều các cheater còn nâng bản thân lên trở thành một siêu nhân với khả năng đè bẹp cả đám AI chỉ với một cái búng tay. Và người viết tự hỏi không hiểu sự thích thú nằm ở đâu khi chiến thắng kiểu đó?
 
the-nao-la-biet-cach-thuong-thuc-game
Lúc nào cũng lăm le vũ khí xịn trên tay sẽ rất nhanh chán.
 
Nếu như sử dụng cheat để thay đổi trang phục, quần áo hay bất cứ thứ gì khác không ảnh hưởng đến gameplay của trò chơi thì hoàn toàn chấp nhận được. Thậm chí khi thua quá nhiều bạn cũng có thể cheat để "hành hạ" lại máy cho bõ tức hoặc xả súng linh tinh giải trí trong GTA, vẫn "trong sáng" với điều kiện bạn không lưu lại kết quả và chơi lại nghiêm túc sau đó. Tuy nhiên một khi đã dính vào cheat thì rất khó có thể "cai" được vì mỗi lần gặp tình huống khó khăn là cảm giác "ngứa ngáy" lại xuất hiện mà nguyên nhân là do máu gian lận nổi lên. Hoặc nếu có cố gắng chơi nghiêm túc sau đó đi nữa thì cảm giác nhân vật yếu ớt trở lại cũng dễ gây nản và dẫn tới bỏ game. Tóm lại nếu bạn không muốn phá hỏng một tựa game thì tốt nhất đừng dính vào cheat dù chỉ là ý định tìm kiếm trên Google.
 
Kết
 
Trên đây là những gì mà người viết đúc kết được sau nhiều năm "chinh chiến" với rất nhiều tựa game từ mới tới cũ và muốn chia sẽ với bạn đọc. Có thể có những chỗ chưa hợp lý bởi không phải ai cũng có đủ thời gian để nghiền ngẫm tất cả những tựa game mà mình chơi qua, nhưng nếu là người chưa từng hoàn thành nghiêm túc một trò chơi nào, hãy thử chọn lấy một game, bình tĩnh hoàn thành nó với lối chơi từ tốn chứ không phải chỉ để cho xong, khi đó bạn sẽ biết được cảm giác chinh phục được một trò chơi là như thế nào, và cũng rất có thể bạn sẽ không còn thấy nuối tiếc mỗi lần xóa game khỏi ổ cứng nữa.

Theo: GenK.vn

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN